Kết quả nghiên cứu cũng mở ra hy vọng một ngày nào đó, con người cũng có thể sở hữu khả năng nhìn trong bóng tối.
Trong gần một thế kỷ, các nhà khoa học đã rất quan tâm đến khả năng thay đổi của mắt cá hồi và một số các loài cá nước ngọt hay các động vật lưỡng cư.
Những loài này thường sinh sống ở hai môi trường với ánh sáng hoàn toàn khác biệt, tối tăm như ở dưới biển hay tràn đầy ánh sáng như ở trên cạn hoặc tại các vùng sông nước trong đất liền.
Mắt chúng có khả năng điều tiết để có thể nhìn được ở những môi trường khác nhau đó và đặc biệt có thể nhìn thấy tia hồng ngoại - bức xạ điện từ có bước sóng dài hơn ánh sáng mắt người có thể nhìn thấy.
Các nhà khoa học tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) vừa lý giải thành công khả năng kỳ lạ này.
Mắt người sẽ nhìn xuyên đêm?
Cá hồi có được năng lực đặc biệt nhờ enzyme Cyp27c1. (Ảnh: Bivs).
Giáo sư, bác sĩ Joseph Corbo - tác giả nghiên cứu - cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra một loại enzyme tên là Cyp27c1 có khả năng biến đổi hệ thống thị giác của một số loài cá và động vật lưỡng cư, giúp chúng có khả năng nhìn thấy tia hồng ngoại. Ví dụ, khi cá hồi di chuyển từ đại dương vào các dòng sông, chúng khởi động các enzyme này, kích hoạt một phản ứng hóa học thay đổi hệ thống thị giác, giúp cá có thể nhìn sâu hơn vào dòng nước đục”.
Enzyme Cyp27c1 có liên hệ chặt chẽ với vitamin A - chất có tác dụng nâng cao khả năng nhìn, đặc biệt là trong ánh sáng thấp. Cyp27c1 có thể biến đổi vitamin A1 thành vitamin A2 để tăng cường khả năng nhìn thấy ánh sáng có bước sóng dài như ánh sáng màu đỏ và tia hồng ngoại.
Con người cũng có một dạng gene tương tự, nhưng nó không được khởi động. Vì vậy, chúng ta không có khả năng nhìn thấy tia hồng ngoại hoặc phải đeo kính đặc biệt hỗ trợ.
Tuy nhiên, khả năng này không phải là ngoài tầm với của con người.
Năm 2013, một nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện thành công thí nghiệm mở rộng tầm nhìn của họ vào quang phổ cận hồng ngoại bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống bổ sung vitamin A2.
“Việc enzyme giúp cá có thể nhìn được trong môi trường nước tối tăm có thể giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về bộ não con người. Mắt người chưa kích hoạt được vitamin A2 không có nghĩa là chúng ta không thể sử dụng nó. Nếu khám phá được bí mật này, chúng ta có thể kích hoạt các tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại” - ông Corbo hé lộ.
Hy vọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ khám phá cách kích hoạt thành công cơ chế này để con người có thể sở hữu những cặp “mắt thần” có khả năng nhìn trong bóng tối.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa được đăng trên tạp chí Current Biology.
Xem thêm:
>> Kính giúp bạn nhìn xuyên đêm nhờ bộ thu phát hồng ngoại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét